• Hải Khánh

PVI - Nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 Việt Nam

Năm 2011, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí (PVI) đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 4.860 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 420 tỷ đồng và dự kiến chia cổ tức 15%, thực hiện tái cấu trúc, phát triển PVI trở thành một định chế tài chính- bảo hiểm, giữ vững vị thế là nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 Việt Nam.
 

Ngày 15/4/2011, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí (PVI) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2011. Đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2011 và việc tái cấu trúc, phát triển PVI trở thành một định chế tài chính- bảo hiểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con, trong đó, công ty mẹ thực hiện chức năng đầu tư vốn vào các công ty còn, công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực: kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm, quản lý quỹ, quản lý tài sản, đầu tư dự án, kinh doanh dịch vụ tài chính…

DN bảo hiểm uy tín, năng lực tài chính mạnh

Năm 2010 đánh dấu bước phát triển vượt bậc của PVI với việc chinh phục và vượt mốc các chỉ tiêu tài chính quan trọng: đạt hơn 4.510 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế hơn 336 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 257 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm chính đều tăng trưởng cao so với các năm trước như: bảo  hiểm dầu khí tăng hơn 42%, bảo hiểm cháy và tài sản tăng trên 74%, bảo hiểm con người tăng gần 25%, bảo hiểm xe cơ giới tăng 18%.

Với việc hiểu sâu sắc đặc thù của ngành dầu khí, PVI đã thực hiện tốt công tác quản lý rủi ro cho các công trình, tài sản của tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), ký kết các hợp đồng bảo hiểm giá trị lớn với Vietsovpetro, Nhà máy lọc dầu Dung Quất…,  góp phần đảm bảo an toàn về tài sản và nguồn vốn của ngành dầu khí.

Không dừng lại ở thị trường bảo hiểm trong nước, PVI đã cung cấp dịch vụ bảo hiểm ra nước ngoài cho các dự án, công trình Petrovietnam đầu tư ở nước ngoài. PVI đã ký kết hợp đồng bảo hiểm cho dự án khai thác dầu khí tại Nga (Rusvietpetro) và hợp đồng hợp tác với Sogaz- một trong ba công ty bảo hiểm lớn nhất tại Nga.

PVI còn mở rộng hợp tác với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, và đã được chọn làm nhà bảo hiểm gốc cho các chương trình bảo hiểm hàng không, các công trình thủy điện, nhiệt điện của Tập đoàn điện lực, cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các dự án viễn thông của VNPT, các dự án lớn của Tập đoàn than khoáng sản, Vinalines…

Bên cạnh đó, PVI đã xây dựng các chương trình bảo hiểm an toàn và cạnh tranh cho các công trình, tài sản của ngành dầu khí mà không cần thông qua môi giới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành (cấp đơn bảo hiểm, đánh giá hiệu quả kinh doanh) đã giúp tiết kiệm nhiều triệu USD chi phí.

Với kết quả kinh doanh khả quan, PVI chính thức được xếp hạng năng lực tài chính B+ (tốt) từ tổ chức đánh giá tín nhiệm uy tín quốc tế A.M.Best. việc được xếp hạng này đã nâng cao uy tín và thương hiệu của PVI không chỉ ở thị trường trong nước mà được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Mục tiêu xuất khẩu bảo hiểm ra thị trường thế giới

Theo đánh giá của các  chuyên gia kinh tế, năm 2011, thị trường dịch vụ tài chính nói chung và hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói riêng tiếp tục có những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, PVI vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng ở mức cao: dẫn đầu thị trường bảo  hiểm phi nhân thọ và xuất khẩu bảo hiểm ra thị trường thế giới với tổng doanh  thu 4.860 tỷ đồng, lợi nhuận 420 tỷ đồng, chia cổ tức 15%.

Hội đồng quản trị PVI đặt quyết tâm giữ vững vai trò là nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 Việt Nam với doanh thu bảo hiểm gốc vượt 3.858 tỷ đồng, chiếm thị phần tuyệt đối về bảo hiểm năng lượng, dẫn đầu thị trường về bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm hàng hải với trên 40% thị phần của toàn thị trường bảo hiểm.

Để đạt được các mục tiêu này, Hội đồng quản trị PVI đã đề ra các giải pháp có tính đột phá, tập trung chỉ đạo thực hiện việc tái cấu trúc và tăng vốn điều lệ từ 1.597 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng, nhằm phát triển PVI trở thành một định chế tài chính- bảo hiểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con, trong đó, công ty mẹ thực hiện chức năng đầu tư vốn vào các công ty còn, công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực: kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm, quản lý quỹ, quản lý tài sản, đầu tư dự án, kinh doanh dịch vụ tài chính. Việc tái cấu trúc sẽ giúp PVI thực hiện các kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Song song đó, PVI chú trọng công tác nhân sự và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý rủi ro, tiếp tục củng cố vị thế và uy tín của PVI trên trường quốc tế thông qua việc minh bạch hóa, công khai hóa hoạt động kinh doanh… đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn, bền vững.

Ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI, khẳng định: với phương châm“nâng cao năng lực cạnh tranh”, “Nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm và tài chính của PVI đều phải có sự khác biệt bằng chất lượng vượt trội so với các sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa PVI trở thành định chế Bảo hiểm – Tài chính có thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế”.

Theo thv

Các bài mới

Các tin cũ hơn