• Hải Khánh

Kinh doanh gắn với lợi ích cộng đồng

Vượt qua những khó khăn sau quá trình chia tách, Viễn thông Thanh Hóa nay đã giữ vị thế là “cánh chim đầu đàn” của xứ Thanh với nhiều sản phẩm, dịch vụ kinh doanh gắn với lợi ích cộng đồng.…
 

Định vị thương hiệu

Hoạt động kinh doanh theo mô hình mới đúng vào thời điểm suy thoái kinh tế, Viễn thông Thanh Hóa (VNPT Thanh Hóa) chịu những tác động không nhỏ. Thêm vào đó, ngày càng nhiều nhà khai thác mới nhảy vào lĩnh vực VT - CNTT, cạnh tranh quyết liệt… Tuy nhiên, tiếp bước truyền thống của ngành, cùng với sự đổi mới mô hình tổ chức, lãnh đạo nên những năm vừa qua, VNPT Thanh Hóa đã tạo được bước phát triển vượt bậc cả về doanh thu, phát triển khách hàng, gia tăng thu nhập cho người lao động, cung cấp những dịch vụ mới với chất lượng tốt nhất…

Thành quả đó được ghi nhận bằng những con số như: Năm 2009, doanh thu của đơn vị đạt trên 660 tỷ đồng, năng suất lao động (doanh thu phát sinh/lao động bình quân): 911 triệu đồng/người/năm - là một trong những đơn vị có năng suất lao động cao nhất Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Hết quí III năm 2010, tổng doanh thu của đơn vị đạt 504 tỷ đồng và theo tính toán, con số 800 tỷ đồng doanh thu năm 2010 đã nằm trong tầm tay.

Với rất nhiều nỗ lực, VNPT Thanh Hóa đã thực hiện hiệu quả việc triển khai các dịch vụ mới như truyền hình IPTV với tên thương hiệu dịch vụ MyTV; tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống trung tâm dữ liệu Internet IDC (Internet Data Center); cung cấp dịch vụ Internet cáp quang siêu tốc FiberVNN, Vinaphone 3G, Internet không dây tốc độ cao Mobile BroadBand.

Bên cạnh đó, đơn vị đã đầu tư và khai thác hiệu quả viễn thông và CNTT đồng bộ, rộng khắp, hiện đại. Chủ động đổi mới công nghệ, triển khai mạnh mạng lưới và dịch vụ, mạng truy nhập quang nội tỉnh. Mở rộng mạng lưới viễn thông, CNTT để phục vụ quốc phòng an ninh và viễn thông công ích, quy hoạch sắp xếp mạng lưới hợp lý hiệu quả… Nhờ đó, các dịch vụ chủ yếu của đơn vị đều có thị phần khống chế, thị phần lớn như: điện thoại cố định có dây 98,82%, Internet tốc độ cao trên 97%, điện thoại di động trả sau 76,32%, truyền hình IPTV 100%...

Kinh doanh lĩnh vực viễn thông, CNTT tại một địa phương còn khó khăn, dân nông thôn vẫn chiếm đa số, có tới 11 huyện miền núi … nhưng với phương châm “Chúng tôi sát cánh bên khách hàng cùng phát triển” và từ những giải pháp hiệu quả (chủ động nghiên cứu thị trường, mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới, dịch vụ, đa dạng hóa dịch vụ, tạo dựng lòng tin với khách hàng, giữ và mở rộng thị trường)…, đến hôm nay, có thể khẳng định, thương hiệu VNPT Thanh Hóa đã định vị vững chắc trên trên thị trường.

Trách nhiệm xã hội và lợi ích vô hình

Với hạ tầng năng lực mạng lưới mạnh mẽ, đội ngũ lao động trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo cơ bản, VNPT Thanh Hóa hiện là doanh nghiệp duy nhất thuộc VNPT thực hiện điều hành và quản lý qua mạng, nâng cao năng lực quản lý, tạo ra sức mạnh công khai thông tin để phát huy trí tuệ tập thể.

Cùng với đó, VNPT Thanh Hóa cũng là viễn thông địa phương đầu tiên nghiên cứu, thiết lập và khai thác thành công hệ thống Call Center ngay từ công nghệ TDM và đã chuyển thành công sang công nghệ IP nhằm mục tiêu phục vụ cùng lúc nhiều nhu cầu đa dạng của đông đảo khách hàng và xã hội… Đồng thời là đơn vị tiên phong nghiên cứu và phối hợp VTC Digicom triển khai thương mại thành công truyền hình, iPTV với thương hiệu LamsonTV ra thị trường Việt Nam…

Đặc biệt, VNPT Thanh Hóa là đơn vị tiên phong, chủ động gắn kết chặt chẽ với các ngành như: Giáo dục - Đào tạo, Y tế, nông nghiệp trong tỉnh ứng dụng cntt, Internet trong quản lý… Đáng chú ý là các hoạt động hỗ trợ ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục như: triển khai đồng bộ chương trình Gói cước Internet tốc độ cao, ưu đãi Mega School+ và phát triển thành công giải pháp phần mềm VNPT-School về quản lý thông tin nhà trường, kết nối nhà trường, gia đình và xã hội trên toàn hệ thống giáo dục phổ thông tỉnh Thanh Hóa. VNPT-School là giải pháp quản lý thông tin giáo dục, truy vấn thông tin học sinh trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam thông qua Web, SMS, hộp thư thông tin tự động… Tại Thanh Hóa, hiện nay đã có 1.662 trường sử dụng gói cước Internet Mega School+; 1.394 trường đã được cài đặt, sử dụng hoàn toàn miền phí phần mềm VNPT-School. Đến nay, hệ thống giáo dục phổ thông của của 38 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được VNPT Thanh Hóa tặng, chuyển giao mã nguồn và hỗ trợ triển khai ứng dụng VNPT-School thông qua VNPT các địa phương…

Chia sẻ thêm về quan điểm luôn đi đầu trong việc thể hiện trách nhiệm doanh nghiệp đối với xã hội, tạo ra những giá trị văn hóa, tinh thần bền vững trong lòng khách hàng, ông Lê Ngọc Đức – Giám đốc Viễn thông Thanh Hóa - cho biết: Quan điểm này xuất phát từ tâm của nhà kinh doanh. Nhờ đó, sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp gắn bó, bám rễ thị trường bền vững hơn; cơ hội cho nhà kinh doanh từ đó cũng nhiều hơn. Đó là những lợi ích vô hình không thể tính thành tiền, nhưng là rất lớn và vô cùng quí giá với doanh nghiệp…

Theo Công Thương
Các bài mới

Các tin cũ hơn