• Hải Khánh

Thương hiệu xi măng Sông Gianh “Ngựa bay” – Quảng Bình

Về Lệ Thủy, đi dọc con sông Kiến Giang nổi tiếng dẫn về nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi ngỡ ngàng khi thấy từng ngôi nhà mới ngày càng mọc lên ven sông ken kín cả con đường.

 

Anh Hon- đại lý vật liệu xây dựng Yến Hon ở chợ Hôm, Tuy Lộc tự hào cho tôi biết: “Hầu hết là do tôi cung cấp cả đấy”, đó là xi măng “hai con ngựa bay - Cosevco của Nhà máy xi măng Sông Gianh - Quảng Bình”

 

Tôi ngỡ ngàng, vì đây là nhà máy mà ai có theo dõi thì tưởng rằng không thể tồn tại được trước những tai ương mà nhà máy gánh chịu! Nhà máy xi măng Sông Gianh Cosevco Quảng Bình được thành lập từ năm 2006, có vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, hoàn toàn bằng vốn vay. Ngày đó, để có nhà máy xi măng Sông Gianh ra đời phải kể đến quyết tâm của công ty, UBND tỉnh Quảng Bình, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển vì ở thời điểm này hầu như công ty chỉ có hai bàn tay trắng; trên thị trường đã có những thương hiệu tiếng tăm như Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Kim Đỉnh… đã vậy nội bộ thiếu đoàn kết, đơn thư khiếu nại, tố cáo được gởi đi khắp nơi, sự tồn tại của Nhà máy âu chỉ tính từng ngày!

 

Rồi xảy ra sự kiện năm 2008, một số cán bộ chủ chốt của tổng công ty phải vào nhà tù để trả giá cho những sai phạm của mình về tài chính thì một số cán bộ có vai vế của nhà máy cũng ra đi và sự thanh lọc bộ máy bắt đầu để đi vào con đường sản xuất.

 

Với vùng nguyên liệu có chất lượng, hệ thống máy móc thiết bị đầu tư hiện đại, đội ngũ có tay nghề kết hợp với các chương trình quảng bá, tiếp thị tốt… xi măng Sông Gianh “thương hiệu hai con ngựa bay” đã dần dần xâm chiếm thị trường từ Quảng Bình lan tỏa ra các tỉnh láng giềng Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… lên đến các tỉnh Tây Nguyên, vào các công trình lớn, công trình thế kỷ. Nếu năm 2006, ngày mới ra đời, nhà máy chỉ tiêu thụ chưa đến 100.000 tấn thì đến hết năm 2009 đã tiêu thụ vượt trên 1 triệu tấn, gấp hơn 10 lần chỉ trong vòng 4 năm, đúng là một con số không tưởng (chưa tính Clinker)

 

Về nguồn vốn vay trên 3.200 tỷ đồng, chỉ sau 4 năm Nhà máy đã trả cả vốn và lãi gần hết và dự kiến đến năm 2010 sẽ thanh toán xong.

 

Điều diệu kỳ, chính là chất lượng của xi măng Sông Gianh được đánh giá là nằm trong số ít thương hiệu xi măng có chất lượng tốt nhất khu vực, khi có độ mịn dẻo của vữa bê tông cao, cường độ xi măng dư mác lớn, hàm lượng vôi tự do thấp dưới 1%... Chính vì vậy dù “tuổi đời” còn trẻ trên thương trường nhưng xi măng Sông Gianh đã được nhiều công trình sử dụng như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thủy điện Sơn la, Khí điện đạm Cà mau, cầu vượt biển đầm Thị Nại Nhơn Hội, cảng biển Chân Mây và nhiều công trình thủy điện khác ở miền Trung- Tây nguyên…

 

Với những thành công của mình, thương hiệu xi măng Sông Gianh với biểu tượng “hai con ngựa bay” đã nhận được nhiều giải thưởng lớn như: Giải thưởng vàng châu Âu cho “thương hiệu tốt nhất”, giải thưởng Vàng chất lượng châu Âu, Giải thưởng sản phẩm và dịch vụ thương hiệu Việt Hội nhập WTO năm 2008 và nhiều huy chương vàng, cúp vàng… Ngoài ra, nhà máy cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, 4 năm qua đã ủng hộ gần 500 triệu đồng đóng góp quỹ nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, học sinh nghèo hiếu học… Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã đồng ý cho Nhà máy xi măng Sông Gianh được triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2, công suất 1,2 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 200 triệu USD. Một chương mới cho thương hiệu xi măng Sông Gianh lại bắt đầu…

 

Theo Công Thương