• Hải Khánh

Cty Lương thực Tiền Giang (Tigifood): Đưa thương hiệu gạo Việt vươn xa

 

Hình thành vào năm 1984, với tên gọi ban đầu là Cty kinh doanh Lương thực trực thuộc Sở Lương thực Tiền Giang với tổng số cán bộ công nhân viên 18 người. Qua 25 năm hình thành và phát triển, Cty Lương thực Tiền Giang đã xây dựng và phát triển một lực lượng CB.CNV thường xuyên trên 800 người.

 

 

 

Hiện nay là DN nhà nước hạng I trực thuộc TCty Lương thực Miền Nam và là thành viên của Hiệp hội Lương thực VN. Đứng hàng thứ 6 trong Top ten các DN xuất khẩu gạo hàng đầu của cả nước. Đây cũng là DN duy nhất trong ngành lương thực được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) trao tặng danh hiệu “ Thương hiệu quốc gia” vào tháng 4/2007. Ngày Doanh nhân VN 13/10/2009 vừa qua, người đứng đầu Tigifood, ông Nguyễn Ngọc Nam - Giám đốc Cty Lương thực Tiền Giang đã vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý: Doanh nhân VN Tiêu biểu và Cúp Thánh Gióng.

 

 

 

Phát triển thương hiệu trong thời kinh tế mở

 

 

 

Vừa thực hiện công tác chính trị - đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ngay từ những năm đầu 1990, khi nền kinh tế thị trường khai thông, Tigifood đã xác định được khách hàng mục tiêu của mình để từ đó tập trung đầu tư công nghệ, máy móc, kỹ thuật cũng như phương tiện sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, nhãn hiệu rõ ràng theo công bố tiêu chuẩn VN. Các sản phẩm gạo cao cấp được đóng bao bì từ 1 kg, 2 kg, 5 kg, 10 kg với mẫu mã đẹp và đều được đăng ký các tên thương hiệu độc quyền. Tigifood còn xây dựng một chuỗi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2000 và hiện nay là phiên bản ISO 9001 – 2008, HACCP, ISO 22000 luôn được cải tiến và vận hành một cách đồng bộ.

 

 

 

Để sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ được và mang lại hiệu quả thiết thực, vấn đề đầu tiên mà ban lãnh đạo Tigifood quan tâm chỉ đạo là phải coi “Chất lượng là hàng đầu, chất lượng là yếu tố quyết định sự thành – bại để phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ”. Từ tiêu chí đó, Tigifood chủ trương bằng mọi cách phải tập trung đầu tư đổi mới thiết bị xay xát, chế biến lương thực qua việc thay toàn bộ hệ thống máy móc cũ bằng thiết bị công nghệ hiện đại của các hãng nổi tiếng thế giới. Tigifood còn đầu tư hệ thống tách màu tại các kho trung tâm, đảm bảo chế biến được tất cả các loại gạo cao cấp cung ứng cho mọi đối tượng khách hàng. Đây là quy trình khép kín từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm, mức độ tự động hóa cao, dễ vận hành, tỷ lệ hao hụt thấp, các sản phẩm khi xuất xưởng đều đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu.

 

 

 

Năm 2005, Cty đã khánh thành và đưa vào vận hành Trung tâm Nông sản Phú Cường đặt tại xã Phú Cường, huyện Cai Lậy – Tiền Giang, với hệ thống kho tàng hiện đại, có sân phơi lúa, hệ thống thiết bị đồng bộ xay xát chế biến lúa gạo xuất khẩu. Đặc biệt nơi đây còn có một hệ thống cửa hàng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng thời cũng là nơi tổ chức các cuộc hội thảo, nơi giao lưu giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với bà con nông dân.

 

 

 

Từ hạt lúa – gạo đầu vào được kiểm tra nghiêm ngặt, cho đến việc đầu tư đồng bộ hệ thống xay xát, lau bóng, sấy lúa và được bảo quản tốt trong các kho, silô chứa gạo thành phẩm đạt các tiêu chuẩn quy định về quản lý chất lượng đã đưa thương hiệu Tigifood không chỉ có mặt hầu hết các siêu thị lớn nhỏ, hệ thống Metro trong toàn quốc mà đối với thị trường thế giới, từ một thị trường xuất khẩu gạo ban đầu chỉ chủ yếu tập trung các nước ở Châu Á và Tây Phi. Đến nay, Tigifood đã mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia trên thế giới như Nam Phi, Nepan, Bangladesh, Ai Cập, Haiti, New Zealand, Australia, Đức, Ba Lan, Czech, Israel, Thụy Sĩ, Nga, Bồ Đào Nha… Trong đó thị trường khó tính như Hoa Kỳ cũng đã trở thành khách hàng thân thuộc của Tigifood. Với mạng lưới rộng khắp trong cả nước và thế giới, hàng năm Tigifood tiêu thụ khoảng 250.000 – 300.000 tấn gạo các loại, trong đó thị trường trong nước khoảng 50.000 – 70.000 tấn. Doanh thu bình quân hàng năm từ 1.300 tỷ đồng năm 2006 đã tăng lên 2.200 tỷ đồng vào năm 2009.

 

 

 

Bắt tay với nhà nông

 

 

 

Xưa nay, tập quán sản xuất của các hộ nông dân vẫn là sản xuất nhỏ, lúa gạo sản xuất miễn sao đạt năng suất cao mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm. Đặc biệt trong khâu xử lý sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, vẫn chưa đầu tư sản xuất tập trung theo vùng từng loại giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Đó là một trong những nguyên nhân làm hạt gạo VN luôn thua kém gạo của các nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan.

 

 

 

Từ việc xác định những thuận lợi và khó khăn như vậy,  Đảng ủy, Ban giám đốc Tigifood đã đề ra các chủ trương về sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và DN, giữa hàng xuất khẩu và hàng tiêu thụ nội địa, vừa phải có hiệu quả và hoàn thành nhiệm vụ chính trị với địa phương, lại vừa khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất. Đây là một bài toán khó giải mà bất cứ DN ngành lương thực nào cũng phải tính toán kỹ lưỡng.

 

 

 

Để giải quyết bài toán này, Tigifood đã xây dựng một lực lượng có kinh nghiệm nhận biết về mặt hàng gạo, chế biến, phân loại gạo…, đồng thời hình thành mạng lưới thu mua và tiêu thụ lúa, gạo trong nông dân qua các phương thức: Mua lúa gạo trực tiếp của nông dân thông qua các xí nghiệp, các kho của Tigifood tại các vùng trọng điểm của tỉnh. Qua đó, Tigifood sẽ báo niêm yết giá mua từng thời điểm để người dân có thể tham khảo và quyết định việc bán lúa của mình. Hoặc thành lập các tổ thu mua lưu động trực tiếp mua lúa tại rẫy của nông dân trong thời gian thu hoạch rộ để đưa về kho phơi, sấy. Xây dựng những vệ tinh là các DN tư nhân, hợp tác xã có chức năng xay xát lúa gạo trong tỉnh đã có quan hệ cung ứng lúa gạo cho Tigifood từ nhiều năm trước đứng ra thu mua lúa trong nông dân rồi bán lại cho Tigifood… Qua hệ thống mạng lưới này, Tigifood rất an tâm về chất lượng lúa, gạo không có tạp chất, rất thuận lợi cho việc xay xát, chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

 

 

 

Và cũng chính nhờ tổ chức được mạng lưới cung ứng lúa gạo thường xuyên và các giải pháp thu mua lúa gạo của Tigifood đề ra đã tạo điều kiện cho nông dân an tâm gắn bó với ruộng đồng và là “cầu nối” - đồng hành giữa người sản xuất với DN. Hàng năm, Tigifood thu mua khoảng 250.000 – 300.000 tấn quy ra gạo các loại. Riêng 8 tháng đầu năm 2009, Tigifood đã thu mua gần 250.000 tấn gạo thành phẩm, góp phần tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong nông dân theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhờ mạng lưới tổ chức hợp lý, vừa chủ động nguồn kinh doanh, vừa đảm bảo tồn trữ gối đầu mà trong những ngày cuối tháng 4 năm 2008 vừa rồi, Tigifood đã đưa ra một lượng lớn gạo để bán lẻ cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, góp phần cùng với cả nước bình ổn được giá gạo trong đợt sốt “ảo”.

 

 

 

25 năm - một chặng đường

 

 

 

Trong xu thế hội nhập và phát triển kinh tế của đất nước, trước những thời cơ đan xen những thách thức, sự phát triển của từng DN sẽ góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời cũng góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp và nông thôn, một trong những ưu tiên hàng đầu trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Qua 25 năm hình thành và phát triển, Cty Lương thực Tiền Giang sẽ tiếp tục phấn đấu để trở thành một trong những DN hàng đầu của cả nước về thu mua, chế biến lương thực xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, là địa chỉ đỏ - luôn đồng hành với bạn nhà nông trong các lĩnh vực sản xuất lúa có chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

 

 

 

Theo DĐDN