• Hải Khánh

Xu hướng mang tính thời thượng?

 

Trong ba năm trở lại đây, số thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) ở nước ta gia tăng một cách mạnh mẽ, bất chấp cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới hoành hành.



Điều đó khiến ông Nguyễn Ngọc Sự - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một Tập đoàn vừa tiến hành hàng loạt các hoạt động M&A cũng phải thốt lên: Hoạt động M&A thực sự đã trở thành mốt thời thượng hiện nay!

Gia tăng các thương vụ M&A

Hoạt động M&A không còn xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ tính trong năm 2003, đã có 41 thương vụ M&A được thực hiện. Ba năm tiếp theo, số thương vụ M&A có giảm, nhưng đặc biệt trong ba năm từ 2007 – 2009, con số thương vụ M&A gia tăng đến chóng mặt, nhất là từ khi nước ta chính thức gia nhập WTO (2007: 108 vụ với tổng giá trị thực hiện gần 1,72 tỷ USD; 2008: 167 vụ với hơn 1,1 tỷ USD. Riêng trong năm 2009, đã có 295 thương vụ M&A với tổng giá trị đạt gần 1,14 tỷ USD. Theo một báo cáo của Avalue Vietnam – một tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên sâu trong lĩnh vực định giá và tư vấn M&A - có thể thấy, hai ngành ngân hàng và tài chính vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thương vụ M&A trong năm qua. Thứ tự tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, công nghệ thông tin – truyền thông và ngành dược phẩm – y tế và chăm sóc sức khỏe.

Nhiều hoạt động M&A diễn ra ồn ào, rầm rộ đã diễn ra trong thời gian vừa qua. Trong đó, đáng lưu ý là hai ngân hàng nước ngoài trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng trong nước. Đó là ngân hàng BNP Paribas nâng tỷ lệ vốn cổ phần tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) lên 15% và Maybank tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Ngân hàng An Bình lên 20%. Ngành công nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn về số thương vụ và giá trị M&A. Trong đó, tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm gắn với phân phối để khai thác thị trường như bia, nước giải khát…Điển hình là thương vụ Unilever mua lại hơn 33% cổ phần của Công ty liên doanh Unilever Vietnam từ đối tác trong nước là Tập đoàn sản xuất hóa chất quốc gia Việt Nam. Theo đó, Công ty liên doanh Unilever Việt Nam trở thành 100% vốn nước ngoài và được đổi tên thành Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam.

Một điểm sáng trong thương vụ M&A là trường hợp Viettel vì đây là đơn vị viễn thông đầu tiên của nước ta đầu tư ra nước ngoài, thị trường Campuchia. Viettel cũng hướng đến việc mua lại hoặc góp vốn vào các mạng di động ở các nước thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Một xu hướng thời thượng?

Theo TS Nguyễn Ngọc Sự, hoạt động M&A mang tính tất yếu, được xem là một giải pháp tích cực để phát triển doanh nghiệp.

Một thí dụ điển hình từ thuở sơ khai của hoạt động M&A ở nước ta là thương vụ mua lại hãng kem Wall’ s. Khi mua lại toàn bộ tài sản của hãng kem Walls vào năm 2003 bao gồm tài sản cố định, kênh phân phối, hệ thống hậu cần và cả đội ngũ nhân viên có tay nghề, Công ty cổ phần Kinh Đô đã thực hiện một thương vụ tuyệt vời về M&A. Trên cơ sở đó, Kinh Đô đã ổn định nhân sự, tiếp tục đầu tư cho kênh phân phối, đầu tư công nghệ và phát triển sản phẩm mới. Đặc biệt, Kinh Đô đã xây dựng thương hiệu riêng lĩnh vực kem ăn và sữa chua. Trong năm 2009, Công ty đầu tư Kinh Đô (do tập đoàn Kinh Đô sở hữu 100% vốn) cùng với ba đơn vị khác mua 72,6% cổ phần của Công ty cổ phần thực phẩm và thức uống Sài Gòn (Sabeco). Khi quy mô càng lớn, những cuộc sáp nhập càng cần thiết để gia tăng sức mạnh, giảm chi phí và rủi ro của hệ thống quản trị, đặc biệt là sự thiếu đồng nhất- ông Trần KimThành, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc điều hành - cho biết.

Avalue Vietnam đưa ra nhận định: Dự báo về triển vọng M&A tại nước ta đang và sẽ phát triển tương ứng với trình độ phát triển và điều kiện phát triển của nền kinh tế, cũng như sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn dài hạn, hoạt động M&A tại nước ta có nhiều tiềm năng và sẽ phát triển ở mức độ và chất lượng cao hơn nhiều so với hiện nay. Cụ thể về xu hướng M&A tại nước ta trong năm 2010, ông Tô Hải - Tổng giám đốc công ty chứng khoán Bản Việt- cho rằng, hoạt động M&A trong năm 2010 sẽ tập trung vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng do các ngành này chịu áp lực về vốn. Bên cạnh đó, tiêu dùng và bán lẻ cũng sẽ là lĩnh vực diễn ra các hoạt động M&. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, thị trường chứng khoán cũng sẽ nhộn nhịp các hoạt động M&A do nhu cầu về vốn và nhu cầu tạo ra nguồn giá trị gia tăng cho các cổ đông.

Tuy nhiên lĩnh vực M&A không phải ngon ăn với nhiều doanh nghiệp. Theo Avalue Vietnam, trong năm 2009 đã xảy ra tình trạng thoái vốn của một số quỹ: Mekong Capital, Vina Capital và Indochina Capital. Ông Andy Ho - Giám đốc điều hành Vina Capital - cho biết, tỷ lệ thành công của các vụ M&A chỉ đạt 50%. Ông cũng dự báo một số nhà đầu tư trong khoảng 300 doanh nghiệp vốn nước ngoài có thể có nhu cầu thoái vốn trong những năm tới.

Để thành công trong hoạt động M&A, tiến sĩ Christopher Kummer lưu ý, cần phải có một chiến lược M&A và chiến lược phải mang tính khả thi. Phải thực tế về những lợi ích mà một thương vụ M&A mang lại, rà soát và thẩm định kỹ những rủi ro và cơ hội, phải có nguyên tắc rõ ràng đối với những thương vụ không mang lại hiệu quả.

Khó khăn cho các nhà đầu tư là hiện nay, pháp luật của nước ta về M&A chưa rõ ràng. Khung pháp lý về M&A phân tán ở nhiều văn bản, chủ yếu ở bốn đạo luật căn bản: Luật doanh nghiệp 2005, Luật đầu tư 2005, Luật cạnh tranh 2004 và Luật chứng khoán 2006. Điều này gây khó khăn, trở ngại cho các nhà đầu tư khi tiến hành các hoạt động M&A. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư mong muốn Việt Nam sớm ban hành một văn bản pháp lý riêng về hoạt động M&A.

Là hoạt động khá mới mẻ, nhưng quan trọng trong quá trình đổi mới, phát triển doanh nghiệp như nhận định của tiến sĩ C. Kummer: :M&A không phải là một cỗ máy in tiền, nhưng là một cách tuyệt vời để phát triển doanh nghiệp”. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách, cơ sở pháp lý, tạo điều kiện phát triển cũng như quản lý hoạt động M&A tại nước ta.

Theo Công Thương
Cập nhật: 31/05/2010

Các bài mới

Các tin cũ hơn