• Hải Khánh

Sức mạnh đến từ Đông Âu

Beeline là thương hiệu quốc tế của Tập đoàn Vimpelcom (Nga). Tập đoàn này gồm nhiều công ty viễn thông cung cấp dịch vụ thoại và dữ liệu dựa trên công nghệ băng rộng, cố định và di động hàng đầu tại khu vực Đông Âu.

Tại Việt Nam, Beeline đã rầm rộ khai trương hoạt động vào tháng 7-2009, triển khai đầu số 0199 và đẩy các mạng viễn thông di động khác vào thế cạnh tranh khốc liệt hơn.

Thương hiệu mạnh trong ngành viễn thông di động

Beeline ra đời ở Nga năm 1993 và đến nay, hình ảnh vòng tròn có hai sọc vàng - đen xen kẽ của thương hiệu này đã hiện diện tại nhiều nước trên thế giới. Năm 2005, Beeline đã tiến hành cải tiến thương hiệu và ra mắt chiến dịch tiếp thị mới gắn với phương châm “tươi sáng”, “thân thiện”, “hiệu quả”, “đơn giản” và “tích cực”. Chiến dịch này đã mang lại những thành công lớn cho Beeline.

Tháng 4-2009, Beeline được đánh giá là 1 trong 100 thương hiệu đắt giá nhất toàn cầu. Nằm ở vị trí thứ 72, thương hiệu Beeline ước tính trị giá lên tới 8,9 tỉ USD và trở thành một thương hiệu mạnh trong ngành viễn thông thế giới.

 

 
Hiện tại, Beeline phủ sóng trên địa bàn rộng lớn bao gồm toàn bộ nước Nga, các nước thuộc Liên Xô cũ, Campuchia và Việt Nam với 62,7 triệu thuê bao (nguồn Johnson’s & Partner). Riêng Tập đoàn Vimpelcom còn sở hữu nhiều công ty đang hoạt động tại Nga, Kazakhstan, Ukraine, Uzbekistan, Tajikistan, Amernia và Gruzia.

Chiến dịch tiếp cận khách hàng kiểu mới

Beeline đã không tiếp cận khách hàng theo cách truyền thống mà thực hiện theo cách riêng của mình. Cụ thể, nhận thấy phân khúc thị trường dành cho giới trẻ, học sinh, sinh viên vẫn còn rất hấp dẫn, Beeline tập trung vào khai thác phân khúc này với chính sách giá ưu đãi, tiện sử dụng.
 
Chỉ trong thời gian ngắn tại Việt Nam, Beeline đã sử dụng nhiều quầy hàng di động dọc đường phố (ảnh) để khách hàng khi dừng xe, thậm chí không cần bước xuống xe nhưng vẫn có thể sở hữu đăng ký dịch vụ thuê bao điện thoại di động.

Trong chiến dịch tiếp thị cao điểm, chỉ cách một đoạn đường ngắn thì khách hàng đã thấy ngay thương hiệu Beeline xuất hiện ở khắp mọi nơi, lúc thì đặt tại nhiều bảng hiệu quảng cáo ngoài trời kiên cố, lúc thì phủ căng trên những tấm bạt hiflex lớn đặt tại các công trình thi công nhà cao tầng và tần suất “hình tròn vàng - đen” trên báo chí, truyền hình cũng không ngừng gia tăng.

Điều này giúp nâng cao độ nhận biết thương hiệu của Beeline lên rất nhiều. Ngoài ra, gói cước tiết kiệm chi phí Big Zero (miễn phí gọi nội mạng 0199) cũng được nhiều khách hàng “túi mỏng” yêu thích và hình ảnh chú ong Beeline ngày càng trở nên quen thuộc đối với mọi người. Tính đến nay, Beeline đã có khoảng 2,3 triệu thuê bao, phủ sóng đến gần 40 tỉnh thành và tiến tới sẽ phủ sóng toàn quốc vào năm 2010.

Kế hoạch mở rộng thị trường

Theo thông tin từ Công ty mẹ của Beeline – Tổng Công ty Viễn thông Toàn Cầu (GTel) cho biết, chiến lược của công ty sẽ đầu tư 267 triệu USD nhằm phát triển thị trường ở Việt Nam trong năm 2009 và 2010. Beeline kỳ vọng thị phần của mình sẽ đạt khoảng 20-30% trong tương lai không xa. Và để thực hiện chiến lược này, Tập đoàn đối tác Vimpelcom (Nga) trong liên danh GTel đã công bố kế hoạch đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD vào Việt Nam trong vòng 15 năm tới.

 
Cũng theo kế hoạch, Beeline Việt Nam vẫn hoạt động theo mô hình kết hợp giữa Vimpelcom với GTel. Đồng thời, GTel vẫn tiếp tục hợp tác với khá nhiều công ty viễn thông nổi tiếng thế giới như: IBM, Alcatel Lucent, Ericsson, Huawei, Comverse và Avaya… nhằm sớm đưa Beeline ngày càng gần gũi với người tiêu dùng Việt Nam.

Sự ra đời của Beeline và một số mạng viễn thông di động gần đây đã tạo nên sự cạnh tranh hợp lý. Hầu hết các mạng viễn thông di động đều thực hiện chính sách khuyến khích người tiêu dùng thực hiện cuộc gọi nội mạng nhằm giảm bớt chi phí kết nối mà họ phải trả cho đối tác. Những chương trình như: Big Zero của Beeline; Vietnamobile với dịch vụ trả 5.000 đồng mỗi ngày sẽ được miễn phí 3 giờ gọi nội mạng; MobiFone và VinaPhone cho phép khách hàng ở Hà Nội được miễn phí 9 phút gọi di động (cuộc gọi kéo dài 10 phút chỉ bị tính tiền 1 phút). Nhìn chung, các chính sách ưu đãi cho người tiêu dùng đã mang lại sự sôi động nhiều hơn trên thị trường viễn thông di động Việt Nam.

Theo SGGP
Cập nhật: 22/01/2010
Các bài mới

Các tin cũ hơn